Tặng một người nhân ngày Valentine

Hôm nay là ngày Valentine, thế thì viết về mối tình đầu tiên nhé…

Đã có một thời, khu phố của chúng tôi bình yên và nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Cho dù cái sự bình yên ấy là do bọn con trẻ tưởng tượng ra, hay có tồn tại thật, thì đó cũng là một khoảng thời gian rất đẹp.

Bọn trẻ con trong xóm, không cần phân biệt giàu nghèo, xuất thân hoàn cảnh như thế nào (có đứa bố mẹ công chức, có đứa bố mẹ bán hàng rong, có đứa bố mẹ đi tù…), chơi với nhau thân thiết lắm. Chúng tôi biết nhau qua những lần đuổi bắt, những lần ra bờ sông Hồng hái trộm rau muống về chơi đồ hàng.

Anh ấy mang một cái tên rất đẹp… Anh hơn tôi một tuổi, nhưng chẳng gọi nhau là anh em bao giờ, chỉ toàn gọi: này, kia. Cao, gầy, da trắng, một nốt ruồi rất nhạt gần môi, đôi mắt màu nâu to, lúc nào cũng như đang cười vậy. Chính các cô, các mẹ cũng phải khen: “thằng ấy đẹp trai thật!” Tôi không nói dối đâu, cho đến tận bây giờ, dù đã gặp bao nhiêu người con trai, thì gương mặt mà tôi không thể nào quên được chính là gương mặt của anh.

Đá bóng giỏi và đánh nhau cũng giỏi lắm. Và cũng chính vì cái khả năng nổi trội ấy, mà năm đó anh bị gãy tay, phải nghỉ học ở nhà một năm. Thế là chúng tôi cùng bước chân vào lớp 7. Khác trường…

Thật là dễ hiểu khi bọn con gái cả khối 6, 7 của trường ấy loạn xì ngầu, đánh nhau chỉ với một lý do “anh ấy là của tao”. Thậm chí bạn thân nhất của tôi cũng có mặt trong cuộc chiến ấy. Đừng hòng tôi tham gia!

Mà anh cũng thật lạ, biết thế, dù ngoài mặt ra vẻ lạnh lùng, nhưng mà kì thực bên trong hãnh diện lắm. Anh cứ tủm tỉm cười và nheo mắt chế giễu tôi, ra điều thích chí lắm. Đừng thắc mắc vì sao lại thế, bởi vì chúng tôi chơi thân với nhau mà.

Tôi biết anh luôn cố tình xuất hiện trước mặt tôi, bởi vì mỗi lần tôi đi qua, là thấy anh chạy vèo ra trước cửa nhà, giả vờ đứng hóng gió, hếch cái mặt lên trêu tôi. Có lần vội quá còn vấp ở bậc cửa. Đồ trẻ con!

Thú thực là tôi cũng hay kiếm cớ đi mua dưa cà cho mẹ, đi mua bia cho bố, để mỗi lần đi qua lại phùng mang trợn má dọa anh. Nghĩ lại quãng thời gian ấy, thật là khó quên.

Bố mẹ anh ly dị, rồi bố anh mất. Mẹ đi bước nữa, nhưng cũng không bao lâu bà ta ra nước ngoài để tìm cuộc sống giàu sang, bỏ lại ba đứa con sống với bà ngoại. Hàng tháng bà ta vứt tiền về, không cần biết con mình sống chết ra sao. Đó là cuối năm lớp 7…

Rồi bọn trẻ con trong xóm cũng phải lớn lên, và hoàn cảnh sống khiến chúng tôi không thể thân thiết như ngày nào. Có đứa đã bị dòng sông cuốn mất, có đứa dạt đi các nơi để kiếm tiền, có đứa đi tù vì bán ma túy, vì nghiện ngập, vì ăn cắp… Và tôi thì là một trong số ít ỏi vẫn hàng ngày mài đũng quần ở trường…

Anh bỏ học sau một lần đánh nhau… Đối với cái khu phố này, bỏ học dường như là một chuyện quá sức bình thường, chẳng có gì để mà nói.

Bẵng đi một thời gian không biết tin tức của anh, nghe bà anh nói anh theo chú đến làm việc trông coi ở bãi sỏi đá ven sông. Niềm nuối tiếc về ngày còn bé luôn khiến tôi day dứt. Thật đấy…

Và rồi anh về. Anh về thật rồi. Năm tôi lớp 10. Đã gần ba năm rồi đấy. Vẫn cái dáng cao và gầy như năm nào, làn da trắng hồng giờ là màu trắng xanh, và đôi mắt không còn như lúc nào cũng cười nữa. Tất cả những gì tôi cảm nhận, khi nhìn thật sâu vào đôi mắt ấy, là một khoảng đen vô hồn, có chút gì đó bất cần và đau đớn.

“Chào em”, giọng nói trầm và ấm hơn cái thời anh hát mấy bài hát xuyên tạc rất nhiều, nhưng đó không phải là của cậu bé ngày xưa. Mái tóc đen đã nhuộm vàng xác xơ… Tôi mỉm cười… “chào anh”…

Rồi anh Hải kể cho chúng tôi nghe, những năm qua anh và anh Hải đã làm những gì. Đánh nhau như cơm bữa, cuộc sống nơi mà cá lớn nuốt cá bé, những gì con người ta có thể làm là phải tự thích nghi mà thôi. Anh gặp Vân, con bé sinh năm 90, một con bé từ nhỏ đã theo mẹ đón khách dọc đường Phạm Ngũ Lão. Họ đã ở với nhau đấy, không lâu, 3 tháng thôi, nhưng đủ làm cho anh trở thành một con nghiện, một kẻ bất cần đời.

Anh về ở với bà. Trên gác mái với một cái giường và một cái xích. Tôi đã chứng kiến đấy! Tôi đã thấy anh chạy như bay ra khỏi nhà, ôm chiếc đầu video của bà đi bán vì lên cơn. Tôi đã thấy anh vật vã ở thềm nhà vệ sinh công cộng. Tôi đã thấy bà anh bắt xe ôm chở anh đi cai nghiện hai lần rồi đấy. Và tôi cũng đã nghe thấy hàng xóm bảo rằng: “nhà đấy được cả nhà, lũ con gái thì đĩ thõa, lũ con trai thì nghiện lòi cả mắt”. Tôi đã nhìn, đã nghe và đã biết tất cả. Nhưng mà… có thể làm được gì đây?

Một kẻ như tôi, chỉ biết bắt mình quên đi mọi thứ, bắt mình thản nhiên ngồi tán gẫu với mọi người về anh, nói về anh với giọng điệu khinh khỉnh mà thôi…

Phố bây giờ, dù vẫn có cái vẻ tấp nập của nó, nhưng đã khác trước nhiều rồi. Anh Hải giờ đẹp trai lắm, anh đi làm tiếp tân cho một nhà hàng. Anh Long, anh Minh và anh Hoàng, cả Tuyết và Mai nữa, đều đã lấy vợ lấy chồng, trở thành những ông bố bà mẹ ở tuổi 19, 20. Thành Thủy và Nhung thi trượt đại học, lâu lắm rồi không thấy mặt. Quang và Chi, Đức sẹo, sắp ra tù rồi. Trung thì mới vào trại vì bị bắt quả tang tổ chức hút cần sa trong nhà. Anh Dũng thì đã vào Sài Gòn học nghề cắt tóc… Và tôi cũng đang trên đường thực hiện bản quy hoạch cho cuộc đời mình.

Mọi chuyện đã qua rồi, dường như chưa từng có chuyện gì xảy ra, dường như mọi thứ đều đổi thay, chỉ có tình bạn giữa những đứa trẻ cùng xóm là không bao giờ thay đổi mà thôi.

Đừng bảo chúng tôi còn bé tí mà đã yêu đương, đó không là tình yêu đâu, dở hơi à?

Trẻ con luôn có những suy nghĩ, dù ngây thơ, nhưng mà rất thật lòng. Và tình bạn của trẻ con thì không bao giờ là dối trá cả.

Sắp đến ngày giỗ của Long, năm nay có bao nhiêu người còn nhớ?
Hà Nội ngày 14/02/2008
Nguyễn Thu Thủy

Ông Mặt Trời Mới Lớn

Bình luận về bài viết này